“Sống chậm” ở Metro Manila

Metro Manila

Điều mình nuối tiếc nhất đó là không có nhiều thời gian hơn 4 ngày 3 đêm để dạo chơi ở Metro Manila. Tuy nhiên, bài viết này sẽ là cẩm nang cho các bạn muốn đi du lịch ngắn ngày tại thủ đô đất nước Philippines.

 

Metro Manila là vùng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và giáo dục của Philippines. Theo Hiến pháp, Manila là thủ đô, còn toàn bộ vùng Metro Manila là trụ sở của Chính phủ Trung ương. Ngoài Manila, vùng bao gồm 16 thành phố khác như Makati, Pasay, San Juan, Quezon… và khu đô thị tự trị Pateros. Diện tích của toàn vùng Metro Manila chỉ là 638,55km vuông (tương đương 1/5 diện tích thủ đô Hà Nội).

 

Bây giờ, mình sẽ giải thích về hai chữ “sống chậm” được dùng để nói về nơi này.

 

Hướng dẫn viên du lịch ở đây rất nhàn

 

… bởi những địa điểm tham quan, điểm đến dành cho du khách thường rất dài, tọa lạc trên một khu vực rộng bao la và còn ở rất sát nhau. Do đó, bạn có thể đi bộ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của từng địa điểm. Có thể bạn không ngại khi tìm hiểu về vùng đất mới, nhưng sẽ cần nhiều thời gian.

 

Vương cung thánh đường Manila ở gần pháo đài Baluarte de San Diego và pháo đài Santiago, chỉ riêng khu vực này đã khiến bạn phải mất một buổi sáng để tham quan. Từ pháo đài Santiago, bạn chỉ cần đi thêm một đoạn ngắn là đủ để nhìn ngắm dòng sông Pasig thơ mộng, cây cầu Binondo Intramuros rất đẹp, và cuộc sống tấp nập hai bên bờ sông.

 

Metro Manila
Dòng sông Pasig thơ mộng và cây cầu Binondo Intramuros rất đẹp.

 

Đến vịnh Manila, điều đầu tiên đập vào mắt bạn là vòng đu quay MOA Eye. Bước lên cabin, bạn được nhìn ngắm khung cảnh thơ mộng của vịnh (đặc biệt là vào buổi hoàng hôn). Hình ảnh của Công viên đại dương Manila, những chiến hạm cũng dần hiện ra, thôi thúc bạn phải đi đến đó. Tất nhiên, những địa điểm này đều rất rộng lớn, có nhiều view triệu đô và bạn cứ từ từ mà thưởng thức.

 

MOA Eye
Vòng đu quay MOA Eye bên vịnh Manila.

 

Nếu “cuồng mua sắm” và thưởng thức ẩm thực, bạn không thể bỏ qua Greenbelt – trung tâm thương mại lớn nhất Đông Nam Á. Nói chính xác hơn, đây là tổ hợp của nhiều trung tâm thương mại được kết nối với nhau bằng những cây cầu. Để đi hết một khu vực, bạn cần ít nhất 45 phút.

 

“Đến Metro Manila mà không ghé Greenbelt là một sai lầm. Bạn thấy không gian ở đây như thế nào rồi đấy”, một người địa phương nói với mình.

 

Ở Metro Manila không chỉ có một “tổ hợp” như vậy. Từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia đến Bảo tàng Nhân chủng học quốc gia chỉ cách nhau khoảng 200 mét, nằm trong một khuôn viên và bạn có thể dễ dàng đi bộ. Cả hai bảo tàng này đều rất rộng, kiến trúc đẹp, có nhiều vị trí đẹp để check-in nên bạn không thể “cưỡi ngựa xem hoa”.

 

Và câu chuyện “sống chậm để tận hưởng” cũng đến khi bạn có mặt ở nhiều địa điểm khác như Venice Piazza, công viên Rizal…

 

Người Metro Manila không vội vã

 

– Đây là lần đầu tiên bạn đi du lịch nước ngoài à?

Đúng vậy. Tôi có bạn bè ở Metro Manila và họ rủ tôi sang đây.

– Hãy cho tôi biết nơi bạn của bạn đang sống. Và bạn ấy làm nghề gì?

– Makkati. Đây nhé. Bạn tôi mở một nhà hàng ở đây.

– Ôi, máy tính của tôi bị treo rồi.

 

Đây là câu chuyện mà mình đã trải qua ở văn phòng cục xuất nhập cảnh tại sân bay Ninnoy. Sau đó, cô nhân viên tên Domingo quay sang nói chuyện với đồng nghiệp bằng tiếng bản địa thay vì tiếp tục hỏi mình. Ở bên cạnh, một chiếc máy tính khác vẫn hoạt động bình thường. Một lát sau, Domingo mới ngồi trước chiếc máy tính ấy để làm nốt công việc.

 

“Người dân ở đây sống chậm lắm. Việc họ vừa làm vừa nói chuyện với người xung quanh là bình thường”, cậu bạn đã có 5 năm làm việc ở Metro Manila chia sẻ.

 

Metro Manila
Người dân Metro Manila xếp hàng dài trước một trụ ATM. Họ nói chuyện vui vẻ với nhau ngay cả khi không hề biết nhau từ trước đó.

 

Đó là một ví dụ về việc người Metro Manila “sống chậm”. Điều tương tự cũng xảy ra ở trên đường, các tài xế gặp nhau thì thường chào nhau, nói chuyện với nhau thay vì tập trung lái xe chở khách thật nhanh (dù có thể họ không biết nhau).

 

Ngoài ra, việc “người Metro Manila sống chậm” còn ở nhiều khía cạnh khác.

 

Dù trời nắng hay trời mưa, dù buổi sáng hay buổi tối, bạn sẽ thấy cảnh mọi người xếp hàng rất dài ở một điểm nào đó. Họ chờ đợi để mua sắm, để làm lễ nhà thờ. Tại một bãi đỗ xe, những chiếc xe cũng “xếp hàng”. Ai đến trước thì chở khách trước, ai đến sau thì chở khách sau, không có chuyện ai đạt được thỏa thuận giá cả với khách thì “hớt tay trên” của người đến trước. Văn hóa xếp hàng luôn rất đẹp, nhưng đồng nghĩa với việc bạn phải đi sớm mỗi khi có việc quan trọng, như lên máy bay, làm thủ tục hành chính, săn sale…

 

Trường hợp đặt đồ ăn cũng không ngoại lệ. Để được ăn đúng bữa, bạn phải đặt trước một giờ đồng hồ (hoặc lâu hơn), bởi nhân viên đứng bếp và giao hàng cần chừng ấy thời gian để đưa món ăn đến chỗ bạn.

 

Metro Manila
Ai đến trước thì chở khách trước, ai đến sau thì chở khách sau

 

Sự chậm chạp khiến cuộc sống của người Metro Manila trở nên buồn tẻ? Không hề. Trái lại, bạn có thể cảm nhận được sự năng động. Người địa phương coi công việc là một phần của cuộc sống và để thưởng thức chứ không phải áp lực. Khi đi taxi, tài xế thường mở những bản nhạc sôi động, phù hợp với từng thời điểm trong ngày. Những người trẻ cũng xuất hiện rất đông ở những địa điểm du lịch. Trong số đó, không thể thiếu những nhà sáng tạo nội dung.

 

Nhìn chung, Metro Manila là một nơi chứa đầy sự thú vị, một địa điểm để thưởng thức cuộc sống chứ không dành cho những bức ảnh check-in vội vã. Nếu đã lên kế hoạch đến Manila, bạn hãy sắp xếp lịch trình trong thời gian ít nhất một tuần nhé!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *