Được chọn làm tác phẩm mở màn cho Liên hoan phim Italia 2022, “Una notte da dottore” (Bác sĩ khẩn cấp) đã không làm các khán giả thất vọng. Rất nhiều câu chuyện chân thực và thông điệp ý nghĩa đã được các nhà làm phim người Italia truyền tải trong hơn 90 phút.
“Bác sĩ khẩn cấp” là câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Pierfrancesco Mei, một bác sĩ già cộc cằn, chuyên làm nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân tại nhà vào ban đêm. Trong một lần dùng bữa tại nhà hàng, ông gặp nhân viên giao hàng Mario và nhờ anh giao đơn thuốc đến cho cụ Ferrantini. Những vấn đề phát sinh tại nhà ông cụ khiến Mario hốt hoảng. Anh lao ra đường và va vào chính Pierfrancesco, khi ấy đang trên đường đến nhà Ferrantini. Kết quả, chiếc xe đạp của Mario bị hỏng nặng, còn Pierfrancesco lên cơn đau thần kinh tọa, di chuyển khó khăn và không thể lái xe.
Để không bị mất việc của mình, cả hai tìm đến một thỏa thuận. Mario sẽ giả làm bác sĩ, Pierfrancesco sẽ hướng dẫn mọi thứ qua tai nghe. Anh cũng dùng chiếc ô tô của vị bác sĩ già để đi giao hàng. Ban đầu, Mario không cảm thấy thoải mái trong vai trò mới. Nhưng sau đó, anh dần quen, cảm thấy hào hứng và nuôi khát vọng trở thành bác sĩ.
“Bác sĩ khẩn cấp” của đạo diễn Guido Chiesa gây ấn tượng mạnh bởi nhiều yếu tố, như những câu chuyện dở khóc dở cười trong quá trình cứu chữa bệnh nhân của Mario và Pierfrancesco. Ngoài ra, không thể không nhắc đến những thông điệp ý nghĩa mà các nhà làm phim người Italia đã truyền tải, dựa trên nhiều vấn đề mà mọi người sẽ gặp trong cuộc sống.
Sự hy sinh thầm lặng của các bác sĩ
Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh của vị bác sĩ Pierfrancesco. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu và phải làm việc giữa ban đêm, ông vẫn tận tụy với nghề. Chỉ cần có bệnh nhân gọi, ông sẵn sàng chạy đến ngay lập tức, không có thời gian để uống ly rượu hay ăn miếng bánh mừng sinh nhật đứa cháu gái Sonia. Dù thời gian làm việc chỉ còn 15 phút, ông vẫn tiếp nhận bệnh nhân, cứu chữa cho đến rạng sáng. Trong sự nghiệp của mình, Pierfrancesco từng phải rời xa gia đình, đi làm nhiệm vụ ở tận châu Phi.
Thế nhưng, trong mắt nhiều người, Pierfrancesco chỉ là một người đang làm việc để kiếm tiền. Một cậu sinh viên còn sẵn sàng dùng thủ đoạn để lừa gạt, đánh vào lòng trắc ẩn của “vị bác sĩ giả”. Một anh chàng coi thường bác sĩ đến mức gọi ông đến làm giấy tờ giả để được đi đánh golf. Chỉ đến khi thay thế Pierfrancesco làm bác sĩ, Mario mới hiểu được những khổ cực mà người bạn đồng hành của mình phải trải qua. Với những đóng góp thầm lặng, người bác sĩ cần nhận được tình cảm lớn lao hơn, thay vì những câu chuyện buồn như thế.
Không dễ để cân bằng giữa công việc và gia đình
Pierfrancesco là người đam mê công việc. Ông mang trong mình lý tưởng cao đẹp của một vị bác sĩ, khát khao cứu chữa bệnh nhân ở mọi nơi trên thế giới và dành gần như trọn vẹn thời gian của cuộc đời để theo đuổi lý tưởng ấy. Người ta thường nói rằng thật hạnh phúc khi được làm việc đúng đam mê và hái ra tiền. Tuy nhiên, Pierfrancesco vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Tại sao?
Vâng, trong lòng vị bác sĩ già luôn có những nỗi day dứt. Ông phải sống những năm tháng tuổi già trong cô đơn, khi người vợ nói lời chia tay. Khi con trai của Pierfrancesco bị tai nạn xe hơi và qua đời, ông không có mặt vì bận đi làm nhiệm vụ ở tận châu Phi. Mọi chuyện tang lễ của con trai Pierfrancesco đều do cô con dâu Anna yếu đuối lo liệu. Đó là nỗi buồn lớn nhất trong cuộc đời Pierfrancesco. Đến khi về già, ông vẫn không có thời gian dự tiệc sinh nhật Sonia. Ông không có thời gian để “ăn uống, trò chuyện và xem phim Người Sắt” với cô cháu gái (theo lời chất vấn của Mario).
Câu chuyện của Pierfrancesco có lẽ cũng đang tồn tại trong nhiều người, đặc biệt là những người thuộc độ tuổi từ thanh niên đến trung niên. Vì quá lo chuyện công danh sự nghiệp, chúng ta không có thời gian chăm sóc người thân vào những lúc họ cần chúng ta nhất. Dù trong thời điểm nào, việc cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp luôn là là bài toán khó với những ai gặp phải.
“Có những căn bệnh không thể chữa bằng thuốc”
Mario đã nói như vậy với Pierfrancesco sau khi biết được câu chuyện gia đình của ông bác sĩ già. Khi nghe con dâu Anna của mình bị mất ngủ, Pierfrancesco liền nhờ Mario giao cho cô một lọ thuốc an thần. Kết quả, Anna dùng quá liều và suýt nữa nguy kịch. Pierfrancesco có quý con dâu không? Chắc chắn là có. Tuy nhiên, ông không hiểu rằng Anna đang cô đơn, buồn bã khi con gái Sonia của cô liên tục hỏi về người cha quá cố (con trai của Pierfrancesco). Trong mắt Sonia, ông nội là người vô tâm. Anna cố gắng thuyết phục bản thân rằng đó là suy nghĩ sai lầm. Nhưng rồi cô cảm thấy tuyệt vọng khi chứng kiến sự thờ ơ của Pierfrancesco.
Thật may, cho đến khi bình minh ló rạng, Pierfrancesco đã nhận ra sức mạnh của liều thuốc tinh thần. Ông nhẹ nhàng thổ lộ với Anna: “Chỉ cần cái nắm tay của con, cơn đau của bố đã đỡ rất nhiều”. Đối với nhiều người, cơn đau dữ dội nhất luôn đến từ vết thương lòng. Và để chữa lành vết thương ấy, chúng ta không thể dùng những viên thuốc ở dạng vật lý.
Không chỉ Pierfrancesco, nhiều người khác cũng mắc căn bệnh mà không thể dùng thuốc để chữa. Tiêu biểu ở đây là anh chàng tổ chức bữa tiệc tại nhà, mắc “bệnh” coi thường người khác, ham chơi, lười làm việc và trốn tránh trách nhiệm. Kết quả, Mario đã chữa “bệnh” cho anh chàng này bằng sự láu cá, thay vì bằng viên thuốc hay mũi tiêm.
Hãy khen ngợi những đứa trẻ thay vì đánh giá thấp chúng
“Bác sĩ khẩn cấp” còn mang đến câu chuyện của một số nhân vật khác, như Mario. Khi đang khám cho một bệnh nhân nhí, Mario nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong quá khứ. Thời thơ ấu, anh bị người cha của mình xem là kẻ yếu ớt, vô dụng. Điều đó dần trở thành nỗi ám ảnh đối với Mario suốt thời gian dài, và phần nào ảnh hưởng đến việc anh phải làm nhân viên giao hàng. Vì vậy, khi chứng kiến điều tương tự xảy đến với cô bé bệnh nhân, Mario đã nói ra những lời tâm can của mình, thức tỉnh vị bác sĩ phẫu thuật (cha của cô bé).
Mario có bất tài, vô dụng không? Đương nhiên là không. Sau này anh còn làm bác sĩ cơ mà. Hơn nữa, anh còn có tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, ngay cả khi bị lừa lọc hoặc phải làm những việc mà anh chưa từng làm.
Sự lạc quan giữa đại dịch Covid-19
“Bác sĩ khẩn cấp” được sản xuất vào năm 2021, thời điểm đất nước Italia vừa trải qua quãng thời gian bị ám ảnh bởi đại dịch toàn cầu. Vùng Lombardia là nơi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở châu Âu, và cũng từng là ổ dịch lớn nhất “lục địa già”. Vì vậy, dù không hề trực tiếp nhắc đến vấn đề dịch bệnh, “bác sĩ khẩn cấp” vẫn có ý gợi nhớ về những ký ức ấy.
Phần lớn thời lượng của bộ phim là khung cảnh màn đêm u tối, đường phố vắng bóng người. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến tình trạng thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế, đến mức một ông bác sĩ già phải cứu bệnh nhân suốt đêm, và một anh giao hàng phải sắm vai “bác sĩ bất đắc dĩ”. Những người cao tuổi cũng phải sống cô đơn trong căn nhà lạnh lẽo, không có người thân hay nhận được sự chăm sóc tận tình.
Tuy nhiên, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mọi người vẫn tràn đầy lạc quan. Sau đêm tối, tia nắng bình minh đã xuất hiện, cả gia đình được đoàn tụ. Những người còn sống vẫn yêu đời, vui vẻ, hiểu nhau hơn. Ngoài ra, khoảnh khắc một đứa trẻ chào đời tại nhà ngay trong đêm cũng mang ý nghĩa như sự sống nảy sinh, niềm tin vào tương lai.
Có quá nhiều thông điệp ý nghĩa được các nhà làm phim người Italia gửi gắm trong hơn 90 phút của “Bác sĩ khẩn cấp”. Đây là một bộ phim đáng để xem. Hy vọng các bạn không bỏ lỡ nhé!
BÀI VIẾT KHÁC ⭢
Để mất nhẫn nhẫn cưới, ngôi sao điền kinh viết thư xin lỗi vợ đầy hài hước
“Cậu bé ghét nước” giành HCV đầu tiên cho đoàn Italia tại Olympic 2024
Baggio, Totti, Rivera… trở lại tuyển Italia
HLV Fiorentina: “Đau lắm, các bạn à!”
5 thông điệp ý nghĩa từ bộ phim “Bác sĩ khẩn cấp”
Có một Italia giữa lòng Metro Manila