Người già, người trẻ sẵn sàng “Rock xuyên màn đêm”

Bức Tường

“Con yêu ban nhạc Bức Tường!”

“Nhạc Bức Tường hay lắm. Con nghe từ 4-5 năm nay rồi!”

“Cho con hát ‘Những chuyến đi dài’ đi các chú!”

Một vài khán giả nhí đã nói như vậy trong buổi tối mừng sinh nhật tuổi 30 của ban nhạc Bức Tường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những câu nói ngô nghê nhưng đầy tình cảm ấy đã gợi lại cho tôi những ký ức của chính bản thân mình.

Tôi năm nay 30 tuổi, nhưng luôn vỗ ngực tự hào khi là fan của ban nhạc Bức Tường được 23 năm. Mọi chuyện bắt đầu từ những ngày giáp Tết Nguyên Đán năm Nhâm Ngọ (2002). Hôm ấy, cuối chương trình “Chiếc nón kỳ diệu”, MC Long Vũ giới thiệu ban nhạc Bức Tường trình bày bài hát “Trở về”. Cái phần điệp khúc “Có, bước chân đường xa đó. Có, bước chân trở về…” lặp đi lặp lại, rồi in sâu vào ký ức trẻ thơ của tôi.

Bức Tường

 

Những ngày sau đó, mỗi khi bật TV và nghe đến cụm từ “ban nhạc Bức Tường”, tôi đều xem hết chương trình hay tiết mục biểu diễn của các anh. Một buổi tối thứ ba, tôi thức đến 10 giờ để xem “Người đương thời” đến khi tất cả nói lời chào tạm biệt. Tất nhiên, tôi xem hình là chính, chứ chưa đủ khả năng để hiểu câu chuyện của các anh. Rồi một ngày khác, trong chương trình chung kết Đường lên đỉnh Olympia, tôi biết đến bài “Đường đến đỉnh vinh quang” với điệp khúc “Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi, và chúng ta là người chiến thắng”. Tiếp theo là bài “Khám phá” trong lễ trao giải Trí tuệ Việt Nam, rồi bài hát chủ đề của chương trình Rung chuông vàng… Điểm chung của những bài hát ấy là chất rock mạnh mẽ và truyền cảm hứng cho thế hệ học sinh. Nhờ các bài hát của ban nhạc Bức Tường, tôi dần nuôi ước mơ một ngày được đội vòng nguyệt quế của Đường lên đỉnh Olympia, hay góp mặt trong lễ trao giải Trí tuệ Việt Nam… Tôi chăm chỉ hơn, cố gắng hơn, đôi lúc thức đến 2h00 sáng để giải bài tập toán rồi sau đó 6h00 lại thức dậy để chuẩn bị đi học.

Mọi chuyện cứ êm đềm trôi. Cho đến một ngày cuối năm 2006… Bản tin thời sự của VTV đưa tin: “Ban nhạc Bức Tường tổ chức đêm nhạc chia tay người hâm mộ”. Những từ “tan rã”, “chào tạm biệt”… cũng xuất hiện, làm cho tôi bất ngờ. Đối với tôi, ban nhạc Bức Tường tồn tại mãi mãi, tôi cũng còn chưa hiểu về chuyện hợp tan. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là “từ nay không còn được xem Bức Tường biểu diễn nữa”. Thời ấy, nhà tôi chưa có Internet để lên nhaccuatui hay zingmp3 tải nhạc. Tất cả những tiết mục của ban nhạc mà tôi biết đều đến từ chiếc TV bé nhỏ. Tôi cũng chẳng thể đến sân khấu để xem ban nhạc biểu diễn trực tiếp.

Phải mãi về sau, khi lớn thêm chút nữa, tôi mới biết rằng mình có thể ra cửa hàng băng đĩa CD để mua những chiếc đĩa có bài hát của ban nhạc. Tôi xin tiền bố mẹ để mua, một số những chiếc đĩa gồm 12 bài, nhưng chỉ có 4 bài do anh Trần Lập hát. Dần dần, tôi biết thêm bài “Ra khơi”, “Tâm hồn của đá”, “Rock xuyên màn đêm”, “Niềm tin cho cát bụi”, “Ngày hôm qua”… Tôi nghe đi nghe lại, hát theo và thuộc lòng. Những bài hát của Bức Tường cũng giúp tôi có thêm động lực để ôn luyện, từ đó dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THCS.

Đến năm 2010, khi tôi đã vào lớp 10 và hiểu thêm về nhiều thứ, cũng là lúc ban nhạc Bức Tường hoạt động trở lại. Bạn có thể hiểu niềm vui của tôi lớn như thế nào rồi đấy. Năm 2012, tôi xuống Thành phố Hồ Chí Minh để học Đại học, và tin rằng mình sẽ có nhiều cơ hội gặp các anh hơn. Nhưng rồi tin dữ ập đến: thủ lĩnh Trần Lập qua đời. Một lần nữa, tôi lại đặt ra câu hỏi rằng ‘ban nhạc Bức Tường còn tồn tại nữa không?’, ‘liệu ai sẽ thay anh Lập hát đây?’.

Song nỗi lo ấy cũng nhanh chóng tan biến. Thời gian trôi đi, nhưng Bức Tường vẫn đứng vững. Những bài hát mới được viết, giống như những viên gạch mới để Bức Tường ngày càng mở rộng hơn, vươn cao hơn. Những bài hát cũ vẫn được nghe đi nghe lại nhưng không hề nhàm chán, thậm chí được phủ “lớp sơn mới” là phần rap, lời tiếng Anh… để tiếp cận nhiều khán giả hơn. Và quan trọng, Bức Tường vẫn giữ được chất của mình, đó là sự mạnh mẽ và truyền cảm hứng qua từng câu từ, giai điệu.

Bức Tường

Trong buổi tối tại Ciné Saigon, các khán giả thuộc nhiều thế hệ cùng nhau hát vang. Người trẻ như tôi có, cô chú bậc trung niên có, trẻ em cũng có.  Những người lạ, chưa từng gặp nhau lần nào, cũng khoác vai nhau, nhìn nhau, ngân nga từng câu hát. Dương Trần Nghĩa, Nguyễn Việt Lâm đang trải qua đêm diễn nhàn nhã nhất trong đời, bởi cả hai chỉ bắt nhịp vài câu rồi đưa micro hướng về khán giả bên dưới là sẽ có hàng trăm người hát thay họ. Phần đông đều đứng suốt hơn 4 tiếng đồng hồ, gào thét từ “Rock xuyên màn đêm” đến “Đường đến đỉnh vinh quang” (lẽ ra còn kéo dài hơn nữa). Không ai muốn về sớm. Những đứa trẻ hát với tình yêu ngô nghê như tôi đã từng. Các cô chú tuổi trung niên thì như được sống lại tuổi trẻ cuồng nhiệt của mình, điều họ hiếm thể hiện giữa cuộc sống với quá nhiều nỗi lo khiến cảm xúc bị chai sạn. Họ không thể hiện, nếu đó không phải là Bức Tường.

In đậm dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ khán giả – đó là cách ban nhạc Bức Tường tồn tại suốt 30 năm qua. Vâng, dù có người đến và người đi, nhưng Bức Tường vẫn tồn tại.

Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ một điều: các cô chú, anh chị và các bạn hãy giữ sức khỏe, kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên, duy trì lối sống lành mạnh nhé! Vì sao ư? Vì chúng ta sẽ còn gặp lại nhau trong đêm sinh nhật tuổi 40, 50, 60, +oo của ban nhạc Bức Tường!

Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi…

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *